Nhãn: ,

Sứ mệnh đất nước: Tư vấn xây dựng Việt Nam

Chỉ khoảng hơn 10 năm gần đây, thuật ngữ “tư vấn” trở nên phổ biến ở đất nước ta, nhiều ngành tư vấn đã trở thành một nghề và đặc biệt được coi trọng như: tư vấn xây dựng, tư vấn kinh tế, tư vấn pháp luật, thậm chí có cả tư vấn tổ chức, tư vấn chính trị… Tư vấn có thể đứng tên một cá nhân, có thể một tổ chức. Ở Việt Nam, hầu hết tư vấn được đứng dưới tên một tổ chức, trừ một số tư vấn cá nhân dưới dạng văn phòng tư vấn.
tin-tuc
Ảnh minh họa
Nghe đến tư vấn là người ta đều hình dung ra hình ảnh những người uyên bác về pháp luật, về từng ngành kinh tế, kỹ thuật mà họ tư vấn, là những người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, đồng thời là người có đạo đức nghề nghiệp, trung thực trong công việc của mình.
Trong lịch sử nhân loại, nhân vật “tư vấn” cả thế giới biết đến như Gia Cát Lượng là người tài năng và trung thực giúp Lưu Bị mà cả một đời không màng danh lợi, hay “tư vấn” Lưu “gù” chỉ biết nói những điều ngay thẳng; nhưng cũng có những người như Điêu Thuyền đã “tư vấn” Lã Bố giết cha đỡ đầu Đổng Trác; “tư vấn” Tây Thi giúp Việt Vương giết Ngô Phù Sai lấy đất Việt. Ở Việt Nam có thầy giáo Chu Văn An dâng sớ xin nhà vua giết bọn “tư vấn” rởm, Vua không nghe nên ông cáo quan về dạy học; Nguyễn Khuyến cũng dâng ấn từ quan, và cũng có kiểu Trọng Thủy “tư vấn” cho Mỵ Châu lấy cắp nỏ thần khiến Vua An Dương Vương mất nước. Nhìn chung, từ cổ chí kim, nhiều nhà tư vấn trung thực, tài ba, nhưng không ít loại “tư vấn” chỉ biết nịnh hót, tư vấn những điều xằng bậy… Và lịch sử đã chứng minh rằng: ai biết dùng tư vấn hiền tài thì thành công, ai dùng tư vấn xằng bậy thì thất bại, không chỉ cho một cá nhân mà còn quyết định sự thịnh, suy của cả một vương triều.
Nói về tư vấn xây dựng, chưa bao giờ lực lượng tư vấn xây dựng lại đông đảo và đủ mọi ngành nghề như hiện nay. Nào là tư vấn khảo sát xây dựng, tư vấn thiết kế xây dựng, tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng, tư vấn về giá, tư vấn thẩm tra, tư vấn định giá, tư vấn đấu thầu,…. Nhìn chung, mọi lĩnh vực khoa học chuyên sâu đều có lực lượng tư vấn, được đào tạo qua các trường đại học, lại còn có cả chứng chỉ hành nghề. Nhiều năm qua, đội ngũ tư vấn xây dựng Việt Nam đã góp phần không nhỏ cho công cuộc xây dựng, kiến tạo đất nước. Tuy nhiên, qua thực tế, lực lượng tư vấn xây dựng cũng bộc lộ nhiều vấn đề mà chúng ta cũng cần khắc phục.
Về pháp luật: Việc quy định hành nghề tư vấn hiện nay là tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Ví dụ như pháp luật quy định điều kiện doanh nghiệp tư vấn loại 1, loại 2, loại 3; các đồ án phải có chủ nhiệm như: chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm đồ án thiết kế công trình, chủ nhiệm đồ án quy hoạch, chủ nhiệm đồ án các bộ môn kỹ tuật. Pháp luật còn quy định điều kiện được công nhận là chủ nhiệm; quy định điều kiện năng lực của một số công việc tư vấn… Thậm chí các kỹ sư chuyên ngành làm việc gần hết một đời vẫn phải đi học một lớp vài chục ngày để được cấp chứng chỉ hành nghề mới hợp pháp. Tưởng như vậy sẽ có một đội ngũ tư vấn hùng hậu và tài năng; khi kiểm tra ở một đồ án cụ thể, đa phần ai cũng đủ chứng chỉ, bằng cấp, song kết quả từng công việc thì nhiều tư vấn đã bộc lộ những yếu kém không thể chấp nhận được. Điều này có thể giải thích do nguyên nhân trình độ năng lực hay đạo đức nghề nghiệp của nhà tư vấn. Tất nhiên, có những việc không phải hoàn toàn do tư vấn gây ra, mà trách nhiệm còn thuộc về chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Như tư vấn khảo sát địa chất, chúng ta đều biết hầu hết các tuyến đường miền Bắc, đặc biệt các tuyến đường miền núi ngay thời Pháp đã được khảo sát, có những tuyến chưa mở, có những tuyến đã mở, đã sử dụng nhiều năm, nhưng cơ bản nền đường còn nguyên vẹn, đến khi chúng ta đầu tư mở rộng, hoặc nắn tuyến thì đường khi đưa vào hoạt động đã “nứt toác”, chẳng hạn như tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Nguyên nhân chính vẫn là do công tác khảo sát địa chất. Đành rằng theo tiêu chuẩn, khoảng cách các lỗ khoan là quá dài, không đánh giá chính xác được tình hình địa chất, nhưng sao không khoan bổ sung khi còn nghi ngờ về địa chất? Vậy nhà tư vấn khảo sát có trách nhiệm không? Hệ thống kênh mương thủy lợi, thủy điện, đê chắn sóng biển cũng tương tự như vậy. Nhiều công trình do công tác khoan địa chất không chuẩn xác dẫn đến thiết kế sai và khi thi công phải tốn kém nhiều tiền của để khắc phục.
Trong công tác tư vấn thiết kế quy hoạch cũng vậy, để đảm bảo một đồ án quy hoạch thật sự đi vào cuộc sống thì công tác khảo sát, điều tra hiện trạng là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch chung đều không có bản đồ đo đạc địa hình mới hoặc bản đồ đo đạc địa hình bổ sung, công tác điều tra hiện trạng sơ sài, chính vì vậy, khi thể hiện một bản đồ quy hoạch chung làm người ta tưởng tượng như một bức tranh đa màu mà ai hiểu thế nào cũng được.
Cả một khu dân cư dầy đặc tồn tại hàng ngàn năm ngoài đê sông Hồng, Hà Nội, cả hàng trăm điểm dân cư dọc bờ sông Nhuệ… tất cả được đánh một màu xanh (đất cây xanh). Chỉ vì màu xanh đó mà bao năm trôi qua người dân vẫn phải sống trong những căn nhà ọp ẹp, nguy hiểm, sửa chữa chẳng được, bán không song vì đó là đất quy hoạch?
Trong bản vẽ quy hoạch có con đường có tên, có con đường không tên, những con đường mới mở thì không có tọa độ ở những điểm quan trọng, vì vậy khi mở đường uốn kiểu gì cũng được. Thực trạng phổ biến này gây bức xúc cho nhân dân…
Quy định trong công tác điều chỉnh quy hoạch phải trên cơ sở kế thừa phát triển đồ án quy hoạch cũ để đảm bảo việc xây dựng đô thị bền vững. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay đa phần là hợp thức hóa những việc đầu tư sai quy hoạch mà chưa kịp điều chỉnh. Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng những năm gần đây xuống cấp rõ rệt. Ngoài vấn đề chất lượng các bản vẽ, các đồ án quy hoạch còn thiếu một hệ thống bản đồ đồng bộ theo quy định pháp luật. Nhiều nơi công tác chỉ đạo đầu tư xây dựng không căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, vì từ quy hoạch chung xây dựng đến quy hoạch xây dựng phân khu đều thiếu cụ thể, không rõ ràng dẫn đến việc xây dựng một công trình, một khu đô thị lại phụ thuộc vào ý chí của một số người, và thực chất ở một số nơi, việc đầu tư cho công tác lập, phê duyệt quy hoạch chỉ là phong trào gây lãng phí tiền của Nhà Nước.
Điều nguy hiểm nhất là quy hoạch nhưng không xác định được cốt chuẩn xây dựng đô thị. Quy hoạch xây dựng Hà Nội xưa, người ta xác định khu vực hồ Hoàn Kiếm là cốt cao nhất của thành phố và từ đó độ dốc thoát nước tự nhiên đổ về các cửa ô. Chính vì vậy, cho đến nay, dù mưa to, cả thành phố ngập lụt nhưng khu vực 36 phố phường không ngập lụt, có chăng chỉ ngập trong một thời gian ngắn là nước thoát hết. Khi Hà Nội phát triển các đô thị mới, hầu hết các cơ quan nhà nước “bán cốt” xây dựng tỏ ra vô trách nhiệm với công việc của mình. Họ cấp cốt xây dựng nhưng không có biện pháp bảo vệ, không giám sát việc xây dựng của chủ đầu tư so với cốt được cấp… Qua kiểm tra thì hầu hết các khu đô thị mới, khi xây dựng không đúng theo cốt xây dựng được cấp và hầu hết bị thất lạc trong quá trình xây dựng. Mặt khác, khi cấp cốt xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước không xác định cốt chuẩn cho từng khu vực, không xác định hướng thoát nước tự nhiên đồng bộ cho các khu đô thị. Vì vậy, tình trạng nước đô thị này đổ vào đô thị kia gây ngập lụt. Trách nhiệm này có phải thuộc về trách nhiệm các nhà tư vấn thiết kế không? Biết rằng trách nhiệm này còn thuộc về nhiều người, nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng để tình hình như vậy, trước hết thuộc về các nhà tư vấn, những người đã làm ra các đồ án quy hoạch.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều vấn đề khác như chất lượng đồ án, chất lượng bản vẽ, chất lượng dự báo, thời gian lập quy hoạch,... mà trong phạm vi bài viết này chưa chuyển tải hết.
Về tư vấn thiết kế công trình, trong các cuộc hội thảo khoa học, đã có lần có nhà khoa học nào đó đặt ra các câu hỏi: Tại sao hầu hết các công trình thủy điện đều bị thiếu nước để cấp điện trong những tháng giao thời giữa mùa khô và mùa mưa? Tại sao dung tích chứa nước của các hồ chứa nước chỉ đạt trên, dưới 50% dung tích thiết kế? Tại sao các công trình đê chắn sóng chỉ thời gian ngắn đã bị hỏng? Tại sao các công trình dân dụng trong đồ án thiết kế không nêu rõ tuổi thọ công trình là bao nhiêu năm? Và rất nhiều tại sao…
Nhưng sau đó các câu hỏi tại sao lại bị bỏ dở, không ai đi đến tận cùng tìm hiểu và làm rõ các vấn đề đó, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng không nghiên cứu để đặt ra các quy định pháp luật cho các vấn đề trên; các nhà tư vấn cũng không thật sự quan tâm khi tiếp tục đặt bút thiết kế những công trình tương tự.
Người xưa thiết kế một công trình thủy điện, một hồ chứa tùy theo quy mô nhưng tài liệu khí tượng thủy văn được xem là một tài liệu cực kỳ quan trọng. Người ta có thể tổng kết tài liệu khí tượng thủy văn khu vực hàng trăm năm để đánh giá, dự báo khi thiết kế dung tích chứa cho hồ, đập. Còn ngày nay, các nhà tư vấn chưa coi trọng vấn đề này, thiếu tổng hợp phân tích và dự báo tình hình khí tượng thủy văn khi thiết kế công trình. Đành rằng những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu khó lường nhưng nếu các nhà tư vấn có trách nhiệm cao, có trình độ để tập hợp, phân tích, tổng kết và dự báo, khi đặt bút thiết kế thì chắc chắn hiệu quả các công trình sẽ tốt hơn rất nhiều. Trong thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều công trình chắn sóng biển được tính toán với độ bền so với bão cấp 10 như công trình xây dựng sửa chữa đê điều khu Tiền Hải (Thái Bình), huyện Giao Thủy (Nam Định),… mà thực tế bão cấp 12 đã có rất lâu đời trên biển. Do vậy, việc các công trình chắn sóng bị phá hoại trong thời gian ngắn là đương nhiên. Hậu quả thiệt hại khôn lường và không quy trách nhiệm cho ai kể cả các nhà tư vấn thiết kế.
Một ví dụ khác, khi thiết kế một con đường, về nguyên tắc, người ta phải xác định tần suất ngập lụt cho hàng trăm năm, thế mà những đoạn thuộc quốc lộ số 1 đi qua các tỉnh miền Trung mới cải tạo xây dựng thì năm nào cũng ngập, vậy đâu là tuổi thọ công trình. Nhìn vào lịch sử, một số công trình người Pháp để lại trên đất Việt Nam như Nhà Hát Lớn ở TP Hà Nội, tòa Hành chính TP.HCM… khi công trình có tuổi thọ 100 năm họ đều thông báo cho ta biết tuổi thọ công trình đã hết thời hạn sử dụng, muốn sử dụng phải gia cố mới đảm bảo an toàn. Vậy mà ngày nay, tất cả các đồ án thiết kế của tư vấn Việt Nam cũng như tư vấn nước ngoài thiết kế công trình dân dụng trên đất nước ta kể cả cấp 1 và cấp đặc biết đều không quy định tuổi thọ công trình thì làm sao biết được công trình được sử dụng đến năm nào và khi nào phải sửa chữa tôn tạo mới được sử dụng tiếp. Có lẽ, pháp luật cần phải bổ sung những quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm, đồng thời cũng là một cách để tôn vinh các nhà tư vấn thiết kế khi đặt bút thiết kế các công trình.
Chưa kể đến hàng chục công trình đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đắp chiếu hoặc càng sản xuất càng thua lỗ như: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Nhà máy Gang thép Lào Cai… Nhiều công trình vượt dự toán so với ban đầu nhiều lần như: Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Tuyến đường điện trên cao Hà Nội và nhiều công trình khác gây lãng phí tiền của Nhà nước... hông thể không có sự tư vấn của đội ngũ tư vấn Việt Nam trong giai đoạn tiền khả thi hoặc các giai đoạn tiếp theo.
Về vấn đề dự toán đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, tình trạng thông đồng giữa nhà tư vấn với chủ đầu tư, với nhà thầu thi công đã trở nên phổ biến trong việc cố tình nâng giá công trình để đấu thầu, gây ra tình trạng thất thoát lãng phí vốn đầu tư xây dựng của Nhà nước. Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật trong xây dựng của đất nước ta hiện nay quá lạc hậu và rất thiếu so với yêu cầu của nền kinh tế thị trường đã gây ra sự lãng phí trong đầu tư xây dựng. Nhưng trên thực tế, ở nhiều dự án đầu tư xây dựng, nhà tư vấn vô tình hay cố tình còn áp nhầm định mức này cho một công việc khác, thậm chí còn áp sai các chế độ chính sách Nhà nước hiện hành, dẫn đến nhiều công trình giá dự toán vượt lên gấp 1,2 - 1,5 lần so với giá trị thật của công trình. Một số công trình dự toán còn được tính cao hơn nữa. Với kết quả đó, chủ đầu tư đã phê duyệt và đưa ra đấu thầu. Lợi dụng Luật Đấu thầu còn nhiều sơ hở, tình trạng thông thầu đã diễn ra phổ biến nên việc đấu thầu cũng không cắt giảm được bao nhiêu và thông thường vẫn cao hơn nhiều so với giá trị thực của công trình.
Qua tổng kết, sau khi các cơ quan Nhà nước thẩm định, kết quả dự toán của các công trình thường bị cắt giảm trung bình 5% giá trị do việc làm sai của các nhà tư vấn, nhưng khi tiến hành các cuộc thanh tra còn cắt giảm trung bình khoảng 4-5% dự toán công trình xây dựng vốn Nhà nước. Như vậy, riêng công tác tư vấn đã có thể làm mất đi đến 10% giá trị công trình do việc tính toán của mình. Một năm đất nước đầu tư xây dựng hàng ngàn tỷ đồng thì hỏi tiền của nhà nước và nhân dân thiệt hại đến đâu? Trong khi đất nước còn nghèo, sự mất mát đó là đáng kể, các nhà tư vấn xây dựng có thấy được trách nhiệm của mình với đất nước hay không?
Đã đến lúc cần thiết phải bổ sung các chế tài trong pháp luật hình sự nhằm răn đe, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân làm công tác tư vấn xây dựng để gây ra những tình hình như đã nêu trên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
KHOAN KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH © 2017