Nhãn: ,

Lý do vì sao đường cao tốc sụp lún

Có nhiều sai sót, khuyết điểm từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thiết kế kỹ thuật, thi công, nghiệm thu...
duong-cao-toc-lun-sup
Đường cao tốc lún sụp
Thực tế cho thấy từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được giặm vá, sửa chữa rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều ổ gà, xe thường xuyên phải lạng lách tránh những chỗ gồ ghề, lồi lõm giữa đường.
  • Mặt đường nham nhở
Từ đường dẫn vào đường cao tốc (nối với quốc lộ 1A) đi về hướng Trung Lương, người ngồi trên ôtô thường bị xóc khi qua những đoạn mặt đường lồi lõm. Đó là chưa kể tại nhiều đoạn khác có rất nhiều ổ gà, “ổ voi” vừa được trám trét lại. Vết tích của việc vá víu hiện lên rất rõ ở không ít nơi.
Khi qua khỏi nút giao TP Tân An, gặp ngay một đoạn dải phân cách cứng nham nhở, một số mảng bêtông bị rơi rớt lòi sắt gỉ sét.
Đến cuối đường (tính từ TP.HCM đi Trung Lương), đoạn trước Trung tâm quản lý đường cao tốc, tất cả ôtô phải giảm tốc độ còn 60km/giờ để... tránh dải phân cách bằng nhựa đặt nghênh ngang giữa đường như “lô cốt”. Tại “lô cốt” này, đường bị hư hỏng tạo ra những ổ gà liên tiếp nhau và phải dùng dải phân cách nhựa che lại. Theo nhiều tài xế, “lô cốt” này đã có từ nhiều tháng nay nhưng không ai khắc phục.
  • Nhiều khuyết điểm, sai phạm
Theo tài liệu của Thanh tra Chính phủ, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chất lượng chuẩn bị đầu tư thấp, tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm định không nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế và thẩm định dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, làm tăng không hợp lý tổng mức đầu tư trên 3.329 tỉ đồng (từ 6.555 tỉ đồng lên 9.884 tỉ đồng). Trong tổng số 26 hạng mục được điều chỉnh có chín hạng mục liên quan đến biện pháp thi công, chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định về quy định quản lý chi phí đầu tư và xây dựng, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư hơn 673 tỉ đồng.
Là một dự án lớn nhưng giai đoạn thực hiện đầu tư còn nhiều sai phạm ở tất cả các khâu. Cụ thể, khi tiến hành thiết kế kỹ thuật, đơn vị khảo sát địa chất không phản ánh hết điều kiện địa chất khu vực xây dựng nên kết quả tính toán không phù hợp thực tế. Kết quả kiểm tra hai gói thầu số 7 và số 9 cho thấy chiều dày tầng đệm cát thoát nước không đảm bảo quy định, có mạch nước ngầm nhưng khảo sát thiết kế không phát hiện. Đối với dải phân cách được thiết kế ba loại nhưng do thiếu tính đồng bộ và không đủ kích thước chiều cao nên không chống được vấn đề lóa mắt của đèn pha ôtô chạy chiều ngược về đêm.
Đáng chú ý, tất cả các gói thầu đều không thực hiện khoan khảo sát trong bước thiết kế bản vẽ thi công, dù các đơn vị thi công đã có văn bản đề nghị. Điều này sai hoàn toàn so với quy định của Bộ Xây dựng về hướng dẫn khảo sát địa kỹ thuật phục vụ chọn lựa địa điểm và thiết kế xây dựng công trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ xây dựng dự án như: lún, sụt trượt tại gói thầu số 7, số 9; bục đáy trụ T3 của gói thầu số 3...
Theo Thanh tra Chính phủ, đến nay các đoạn đường của một số gói thầu vẫn còn lún khi đưa vào khai thác sử dụng và phải tiếp tục bù lún bằng bêtông nhựa hạt mịn, làm thiệt hại kinh tế của dự án.
Đối với bảo hiểm công trình, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã mua bảo hiểm AAA nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa làm đầy đủ các thủ tục yêu cầu bồi thường việc bục đáy trụ T3 cầu Bến Lức (khắc phục khoảng 8,5 tỉ đồng) và sụt trượt tại đoạn km48+355 đến km48+625 phải đắp cát gia tải.
Trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về tỉ lệ tiết kiệm cho phép giảm từ 5% xuống 2% nếu dự án hoàn thành đúng tiến độ. Thanh tra Chính phủ nhận thấy: đến thời điểm thanh tra dự án chưa đủ cơ sở xác định hoàn thành đúng tiến độ nhưng các cơ quan chức năng đã căn cứ vào tiến độ hoàn thành của từng gói thầu để cho phép áp dụng tỉ lệ tiết kiệm 2% là thực hiện chưa đúng ý kiến của Thủ tướng. Cho đến thời điểm thanh tra, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã thanh toán 209,4 tỉ đồng do áp dụng tỉ lệ tiết kiệm giảm.
Về nghiệm thu, thanh quyết toán, kiểm tra tám gói thầu xây lắp cho thấy Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã nghiệm thu, thanh toán chưa đủ cơ sở và sai về khối lượng, định mức, đơn giá hơn 32,7 tỉ đồng. Trong đó giá trị nghiệm thu, thanh toán tăng sai gần 27 tỉ đồng, chưa đủ cơ sở hơn 6 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm để xảy ra các sai phạm, khuyết điểm thuộc về Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải), tư vấn QCI, tư vấn thiết kế Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDIS). Ngoài ra còn có trách nhiệm các bộ giao thông vận tải, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính, Xây dựng.
  • Ban quản lý dự án nói gì?
Trong giải trình gửi Thanh tra Chính phủ ngày 16-11-2010, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) cho biết nguyên nhân lún nền đường ở gói thầu số 9 trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm (huyện Bình Chánh) là do địa chất không đồng nhất cả về bề rộng và bề sâu. Trong đó, chiều sâu chỗ đất yếu từ 25-31m, trong khi thiết bị thi công cọc cát chỉ cắm sâu đến 22m. Sau khi đưa tuyến đường này vào sử dụng (tháng 2-2010) được vài tháng thì mặt đường tiếp tục lún.
Số liệu quan trắc cho thấy các vị trí lún tập trung tại đầu cầu, đầu cống, ở những nơi không bố trí bản giảm tải, độ lún trung bình 11,8cm. Diễn biến lún trong thời gian khai thác rất bất thường và khác với dự báo diễn biến lún sau khi dỡ tải. Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, hiện tượng lún mặt đường tại đoạn tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm đã được dự đoán từ trước do tình trạng địa chất tại khu vực phức tạp. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang đưa vấn đề này sang bảo hiểm công trình nhằm xem đây là rủi ro để đề nghị bảo hiểm bồi thường cho công tác thảm mặt đường nhựa bù lún.
Tương tự, giải trình của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28-12-2010 cũng cho biết nguyên nhân gây lún nền đường tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm được xây dựng trong khu vực đất yếu, điều kiện địa chất phức tạp, có những thay đổi bất thường.
  • Dự án chưa hoàn thành
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (TP.HCM, Long An và Tiền Giang) khởi công tháng 12-2004 và đến ngày 3-2-2010 thông xe tạm thời giai đoạn 1 tuyến đường cao tốc chính. Dự án có tổng chiều dài 61,9km, trong đó đường cao tốc chính dài 39,8km (cho ôtô chạy 100km/giờ), còn lại là các đường nhánh dài 22,1km.
Tháng 2-2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV để ký hợp đồng chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho đơn vị này.
Kế hoạch ban đầu dự án hoàn thành vào cuối năm 2008, nhưng do biến động giá và thiếu vốn, công tác đền bù giải tỏa chậm nên Thủ tướng chấp thuận dự án hoàn thành vào cuối tháng 12-2010. Hiện dự án vẫn còn thi công nhiều hạng mục như hệ thống quản lý điều hành đường cao tốc, tuyến đường gom dân sinh, hàng rào, cây xanh...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
KHOAN KHẢO SÁT ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH © 2017